Yaroslav Goncharov, 40 tuổi, người Nga, từng làm việc cho Microsoft, sau đó lập công ty riêng có tên FaceApp.
Goncharov làm việc cho Microsoft từ năm 2003 với vị trí Trưởng bộ phận kỹ thuật của mảng Windows Mobile. Ông tự nhận là người đặt nền móng cho hệ thống xử lý của smartphone trước khi Android và iOS xuất hiện. Ông cũng từng tạo ra công ty có tên SPB và sau đó bán cho Yandex, một công cụ tìm kiếm của Nga tương tự Google, với giá 38 triệu USD.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất (và cũng gây tranh cãi nhất) của Goncharov là một công ty rất nhỏ khác do ông sáng lập, FaceApp. Ứng dụng ra đời với đội ngũ 12 người, sử dụng các bộ lọc AI để “chuyển đổi giới tính”, “biến trẻ thành già” và nhiều tính năng hấp dẫn khác. Những nhân viên này cũng là những người từng có thời gian đóng góp cho những công ty lớn tại Nga, như Yandex, SPB Software, VKontakte…
Goncharov bắt đầu phát triển FaceApp từ năm 2016, phát hành năm 2017 ở dạng dùng thử. Ngay sau khi xuất hiện, FaceApp nhanh chóng vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống miễn phí trên cửa hàng ứng dụng của cả hai nền tảng phổ biến nhất thế giới là Android và iOS. Khi đó, những nhân vật nổi tiếng như Dwyane Wade, Drake và Iggy Azalea đã hào hứng tham gia “Thử thách FaceApp”, bằng cách chụp ảnh của mình, áp dụng bộ lọc “lão hóa”, sau đó đăng lên các mạng xã hội như Twitter hay Instagram để người hâm mộ đoán tuổi.
Gần đây, FaceApp tiếp tục rộ lên khi cho phép “hô biến” những hình ảnh “chuyển giới” từ nam thành nữ và ngược lại. Trào lưu nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, nhất là trên Facebook, Instagram và Twitter.
Tuy nhiên, ứng dụng này từ lâu đã bị nghi ngờ thu thập dữ liệu người dùng. Không chỉ xử lý hình ảnh do người dùng chỉ định, FaceApp còn được cho là tự động lấy toàn bộ ảnh từ thư viện trên smartphone, thu thập tất cả dữ liệu khuôn mặt và gửi về máy chủ từ xa để giúp AI “học tập”. Tháng 7/2019, Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer kêu gọi FBI và Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) mở cuộc điều tra an ninh quốc gia và quyền riêng tư nhắm vào ứng dụng này. Theo CNN, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cũng cảnh báo FaceApp có nguy cơ ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ trong năm nay.
Theo điều khoản dịch vụ ứng dụng, FaceApp được điều hành bởi Wireless Lab OOO, trụ sở tại St. Petersburg (Nga). Trong khi đó, theo hồ sơ LinkedIn, Goncharov là CEO của FaceApp từ năm 2014, nhưng hình ảnh và thông tin về người này trên Internet rất ít.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Forbes vào tháng 7 năm ngoái, Goncharov thừa nhận đã bị “choáng ngợp” khi ứng dụng của mình được đón nhận với tốc độ nhanh chóng mặt. “Tôi đã nhận được tới hơn 200 cuộc gọi trong 3 tiếng. Mọi người quan tâm nhiều thứ, nhưng chủ yếu là chính sách bảo mật. Tôi đã bị rơi vào khủng hoảng tạm thời”, Goncharov chia sẻ.
Cũng trong buổi phỏng vấn khi đó, Goncharov cho biết đang lên kế hoạch “làm dịu các cơn bão chỉ trích về quyền riêng tư”, bằng cách bỏ một số quyền mà ứng dụng thu thập. Nguy hiểm nhất trong số này là điều khoản “FaceApp có quyền sở hữu gần như hoàn toàn đối với hình ảnh khuôn mặt được người dùng cung cấp, cho phép công ty sử dụng, thay đổi và bán chúng theo ý muốn mà không phải bồi thường”. Hiện nay, điều khoản này đã bị sửa đổi, nhưng không loại bỏ hoàn toàn.
“Người dùng lo ngại rằng chúng tôi sẽ thực hiện tất cả những gì đăng trong mục chính sách. Chúng tôi đã không làm như vậy”, Goncharov chia sẻ.
“Cha đẻ” của FaceApp cũng thừa nhận ban đầu ông muốn xây dựng ứng dụng như là “mạng xã hội cho những khuôn mặt”, đồng thời đưa vào chính sách tương tự Instagram. “Mọi người chỉ trích chúng tôi, nhưng không làm vậy với Instagram”, Goncharov nói.
Goncharov cũng khẳng định, những hình ảnh người dùng tải lên FaceApp sẽ xóa sau 48 giờ. Giải thích cho mức thời gian này, ông cho rằng hình ảnh cần được máy chủ của Amazon và Google xử lý thay vì máy chủ của FaceApp nên khá lâu. Ngoài ra, thói quen sử dụng nhiều lớp chỉnh màu cho một tấm ảnh của người dùng cũng là lý do để hãng kéo dài thời gian giữ ảnh, nhằm giảm công đoạn tải ảnh thêm lần nữa.
Nói về cách kiếm tiền của FaceApp, Goncharov cho biết ứng dụng không phải trả phí cho những tính năng cơ bản, nhưng phải chi tiền cho các gói nâng cao như công cụ chỉnh sửa, hiệu ứng mới hoặc xóa logo trên bức ảnh. Ông thừa nhận 99% dòng tiền đến từ các gói cao cấp tích hợp bên trong, 1% từ quảng cáo bên trong ứng dụng. Dù vậy, người này từ chối tiết lộ cụ thể số tiền kiếm được.
“FaceApp đã giúp chúng tôi thành công, nhưng thành công theo cách bất thường”, Goncharov thừa nhận.
Bảo Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét