Samsung CF390 là một trong những dòng màn hình cong giá mềm nhất hiện nay, với phiên bản 24 inch có giá vào khoảng 4,1 triệu đồng. Bên cạnh thiết kế cong, điểm thú vị của sản phẩm này chính là việc sử dụng tấm nền VA giúp thể hiện màu đen sâu hơn phù hợp với các bạn thich xem phim. Độ phản hồi nhanh 4 ms kết hợp cùng công nghệ FreeSync cũng giúp đem lại trải nghiệm chơi game tốt hơn so với mặt bằng chung.
Thông số kỹ thuật
- Kích thước: 23,5 inch
- Độ cong: 1800 R
- Độ phân giải: 1920 x1080@60Hz (tỉ lệ 16:9)
- Loại tấm nền: VA
- Lớp phủ ngoài: chống chói
- Độ sáng tối đa: 250 nit
- Độ tương phản: 3000:1
- Tốc độ đáp ứng: 4 ms
- Độ phủ màu: 72% NTSC (tương đương khoảng 100% sRGB)
- Tính năng bổ trợ: Chống nháy, ECO bảo vệ môi trường, FreeSync
- Cổng kết nối: 1 x HDMI, 1 x VGA, 1 x jack tai nghe 3.5 mm
- Giá: 4,1 triệu
- Bảo hành: 2 năm
Samsung CF390 sở hữu thiết kế khá đơn giản theo kiểu màn hình văn phòng truyền thống, sử dụng màu đen làm chủ đạo. Ngoài trừ màn hình cong, sản phẩm này cũng như bao dòng màn hình phổ thông khác không có điểm nhấn nào đáng kể về kiểu dáng. Viền màn hình tương đối dày, với bề mặt bóng nhìn khá đẹp mắt nhưng dễ bị bám bụi và vân tay, nếu muốn luôn đẹp thì bạn cần phải vệ sinh thường xuyên.
Chân đế theo kiểu tròn, vững chắc nhưng độ tuỳ biến khá khiêm tốn. Bạn chỉ có thể điều chỉnh độ nghiêng chứ không thể thay đổi độ cao hay xoay qua lại. Chính vì vậy mà bạn cần lưu ý về vị trí đặt màn hình sao cho thoải mái nhất khi sử dụng.
Một điều thú vị là nếu như phía trước không mấy ấn tượng, mặt lưng của CF390 lại rất đẹp. Thiết kế kiểu vân ngang như thế này gợi nhớ mình đến phong cách thiết kế đẹp 360 độ mà Samsung từng sử dụng trên các dòng TV cao cấp 2015. Dĩ nhiên CF390 không thể sánh được, nhưng sự tương đồng là khá nhiều và nổi bật so với mặt bằng chung.
Nếu từng xem những bài đánh giá màn hình của mình, bạn sẽ thấy là mình rất thích kiểu điều khiển bằng joystick, tiện hơn rất nhiều so với kiểu nút bấm truyền thống. Bạn chỉ cần đưa tay ra phía sau, bấm để mở menu và gạt qua lại để điều chỉnh các thông số mình muốn một cách dễ dàng thay vì phải nhớ chức năng của các nút.
Về cổng kết nối, Samsung CF390 khá khiêm tốn với 1 HDMI và 1 VGA. Nói chung là đủ xài, được cái kiểu cắm vuông góc giúp việc gắn dây dễ dàng hơn. Mình rất ghét kiểu cắm từ dưới lên mà nhiều hãng hiện nay vẫn sử dụng, đúng là nó tăng thẩm mỹ thật nhưng cái chuyện mò để cắm dây thì quả thật là cực hình. Nếu bạn để ý thì dòng CF390 này cũng có sẵn 4 lỗ bắt ốc phía sau để gắn lên tường.
Điểm nhấn lớn nhất về thiết kế của Samsung CF390 dĩ nhiên là màn hình cong 1800R. Về cơ bản thì độ cong này giúp cho diện tích màn hình bo theo tầm mắt của con người, từ đó đem lại trải nghiệm hình ảnh tốt hơn. Về cơ bản thì màn hình càng nhỏ thì bạn sẽ càng khó thấy độ cong, còn cảm nhận được hay không thì tuỳ người. Nếu bạn thích màn hình cong thì CF390 là một sự lựa chọn khá tuyệt, còn nếu bạn không thích thì Samsung cũng có dòng SF350 màn hình phẳng với tính năng tương đương giá chỉ khoảng 3,3 triệu thôi. Nói chung là giá bẻ cong màn hình khá ư là đắt.
Bên cạnh thiết kế cong, tấm nền VA là một trong những điểm tạo sự khác biệt lớn nhất của CF390 so với những dòng màn hình cùng phân khúc. So với công nghệ IPS phổ biến, tấm nền VA có góc nhìn kém hơn cũng như độ bão hoà màu không tươi bằng. Tuy nhiên VA lại có lợi thế là màu đen sâu, đem lại độ tương phản cao phù hợp để xem phim. Chính vì vậy mà những hãng như Sony và Samsung vẫn sử dụng tấm nền VA cho TV của họ, thay vì IPS. Bên cạnh đó thì màn hình VA cũng hạn chế hiện tượng hở sáng, vốn khiến rất nhiều bạn khó chịu ở các dòng màn hình IPS giá mềm. Phong cách màu của Samsung thì có lẽ quá nổi tiếng nổi, đậm đà và nịnh mắt nên thích hay không thì còn tuỳ vào gu của từng bạn. Hãng công bố màn hình này có độ phủ màu là 72% dải NTSC, tương đương 100% sRGB nên chịu khó cân chỉnh thì bạn vẫn có thể dùng nó để chỉnh màu hình ảnh hay video (ở mức chấp nhận được).
So với mặt bằng chung, tấm nền VA cũng có đôi chút lợi thế hơn khi sử dụng để chơi game nhờ tốc độ đáp ứng 4 ms. Điều này sẽ giúp tránh hiện tượng bóng mờ đối với các cảnh chuyển động nhanh tốt hơn là các dòng màn hình IPS, vốn có tốc độ đáp ứng từ 5-10 ms.Tần số quét dừng lại ở 60 Hz nên CF390 cũng chỉ phù hợp với những trò MOBA như Liên Minh Huyền Thoại hay Dota 2. Bạn vẫn có thể chơi bắn súng, nhưng trải nghiệm sẽ không “đã” bằng các dòng màn hình tần số quét cao như 120 Hz hay 240 Hz. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế, phân khúc giá mềm thế này thì cũng không thể đòi hỏi tần số quét hay độ phân giải cao hơn được. Việc tích hợp FreeSync cũng là điểm cộng, tránh hiện tượng xé hình khi bạn sử dụng chung với card AMD và trong tương lai là Xbox One.
Về tổng thể với mức giá 4,1 triệu đồng, Samsung CF390 phù hợp với các bạn thích kiểu màn hình cong để dùng cho công việc văn phòng, xem phim và chơi game nhẹ nhàng. Nếu bạn thích màn hình phẳng mà vẫn muốn sử dụng tấm nền VA thì có thể chọn mẫu Samsung SF350, giá khoảng 3,3 triệu đồng.
Tóm tắt ưu nhược điểm của màn hình Samsung CF390
Ưu điểm
- Màn hình cong 1800R
- Tấm nền VA cho độ sâu màu đen tốt
- Tốc độ phản hồi 4 ms
- AMD FreeSync
- Màu nịnh mắt
- Điều khiển bằng joystick
Nhược điểm
- Thiết kế phía trước không ấn tượng
- Góc nhìn hẹp hơn IPS
- Phiên bản màn hình phẳng SF350 có giá rẻ hơn khá nhiều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét