Những chiếc tai nghe gaming đến từ thương hiệu cao cấp HyperX của Kingston chắc hẳn đã rất quen thuộc với các game thủ Việt Nam đặc biệt là ở bộ môn FPS. Không chỉ làm ra những chiếc tai nghe được yêu thích, những ai yêu thích thương hiệu đỏ đen cực ngầu đến từ Kingston muốn có bộ sưu tập gaming gear hoàn chỉnh trên bàn của mình thì không thể bỏ qua bộ đôi bàn phím Alloy FPS Pro và Alloy Elite đầy uy lực này.
Tuy không góp mặt quá nhiều tại thị trường này nhưng chỉ cần HyperX xuất hiện ở đâu thì người ta đều nhận ra cả. Đó là sự đồng bộ trong thiết kế của dòng sản phẩm dành riêng cho game thủ này. Thiết kế khá đơn giản và rõ ràng, trực quan, một chút nền đen đỏ loang lổ điểm nhẹ như cái không khí rất game thủ.
Những chiếc bàn phím cơ này đã bắt kịp nhiều xu hướng của thị trường trong thời gian gần đây. Đầu tiên phải nhắc đến ngôn ngữ thiết kế rất “minimalism” rất tối giản. Trên chiếc bàn phím này, hiếm thấy những chi tiết thừa, những khoảng trống vô duyên hoặc những họa tiết thừa thãi để cho sản phẩm thêm ngầu. Tất cả được tận dụng và trau chuốt ngay từ những chiếc keycap, bộ khung mỏng nhưng cạnh rất vuông và sắc bén, ngay đến cả font chữ cũng có nét to bản và khá vuông vắn.
Xu hướng tiếp theo xuất hiện trên cặp bàn phím này là kiểu thiết kế open frame. Phần case được thiết kế dạng mỏng chỉ đủ chứa mạch điều khiển. Case bằng nhựa cứng với nắp trên bằng nhôm tạo nên vẻ chắc chắn cho sản phẩm. Một nửa phần khung trên của switch lộ hẳn ra ngoài cùng với đèn led và keycap. Thiết kế này có ưu điểm là bàn phím trông sẽ thoáng hơn, hệ thống đèn LED có thể sáng tốt mà không cần những thành phần bổ trợ như lớp nền phản sáng hay vỏ switch trong suốt đặc biệt là khả năng làm sạch bề mặt bụi bặm nhanh chóng. Tuy nhiên thiết kế này cũng bộc lộ nhiều điểm yếu nhất định nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được dễ dàng. Đầu tiên là sự nhạy cảm của switch và lớp mạch bên dưới với các kịch bản bị đổ nước, bụi bặm cũng dễ ràng len lỏi vào bên trong hơn. Do không có lớp khung che chắn nên những va đập có thể gây tổn thương đến keycap và switch hơn hẳn. Có lẽ bộ đôi bàn phím này hợp với những game thủ biết giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh góc chiến lược một chút và không có thói quen tác động mạnh lên bàn phím nhưng nhiều hình ảnh mà chúng ta vẫn được thấy. Ngoài ra thì một miếng kê tay cũng sẽ giúp ích cho những người thường xuyên phải hoạt động trên chiếc bàn phím như thế này bởi chiều cao của bàn phím sẽ khiến họ thỉnh thoảng gặp hiện tượng mỏi cổ tay đấy!
Cả bộ đôi bàn phím của HyperX đều sử dụng Layout chuẩn US nên cách gõ phím rất quen thuộc và không tốn nhiều thời gian để làm quen trên bàn phím mới. Chất lượng switch trên cặp đôi phím này cũng khá đồng đều, switch Cherry MX trên HyperX cho cảm giác gõ dễ chịu, tốc độ phản hồi cao không chỉ thích hợp với game thủ mà còn khiến cho dân văn phòng cũng phải tấm tắc khen ngợi. Font chữ cũng rất rõ ràng và dễ nhìn, riêng cá nhân tôi vô cùng thích thú với kiểu chữ của bộ đôi này.
Thời gian đầu, những chiếc keycap ABS này cực kì đáng yêu bởi lớp phủ mịn màng trông rất sạch và sang. Tuy nhiên sau một thời gian dưới tác động ma sát với ngón tay và môi trường mồ hôi tay nhiều muối và axit loãng gây ăn mòn từ từ thì lớp phủ này sẽ biến mất và mọi keycap sẽ trở nên bóng nhẫy. Nhưng tuyệt nhiên phần chữ khác laser này sẽ hoàn toàn được giữ lại và người dùng không cần phải lo lắng rằng các chữ cái sẽ bay đi. Với những ai cầu kì hơn thì những bộ keycap Cherry cũng rất phổ biến và không khó khăn để thay thế cho mình một bộ sạch sẽ và mới hơn. Riêng chiếc Alloy Elite đã được tặng kèm bộ 8 keycap rời màu xám cực đẹp để làm đẹp cho bàn phím và cũng là bảo vệ những cụm phím có tuần suất sử dụng cao có thể được thay thế dễ dàng hơn.
Mọi chiếc bàn phím gaming hiện nay đều sử dụng cổng kết nối USB. Tuy nhiên với chiếc Alloy FPS Pro thì điểm đáng chú ý nhất của nó là phần dây rời rất cơ động. Đặc biệt là trên những chiếc bàn phím Tenkeyless nhỏ gọn thì lại càng hợp lý hơn dành cho những game thủ thường xuyên di chuyển địa điểm chơi hay thi đấu. Cổng cắm được sử dụng trên chiếc bàn phím này là chuẩn Mini USB cũng khá dễ dàng để tìm được sợ dây thay thế trong trường hợp bị đứt, gãy hoặc thất lạc sợi cáp đi kèm. Cả 2 chiếc bàn phím đều sử dụng dây bọc dù cứng cáp nên rất khó đứt gãy lõi trong nên càng khiến người sử dụng yên tâm hơn về độ bền của những chiếc bàn phím.
Riêng với chiếc Alloy Elite, các nút điều chỉnh và một con lăn chỉnh âm làm chúng tôi liên tưởng đến nhiều mẫu bàn phím có trên thị trường như G.Skill, Corsair v.v… Có những nút này khi chơi game cũng khá tiện để điều chỉnh bài nhạc theo ý thích mà không bị gián đoạn nên chúng tôi hoàn toàn thấy ổn chứ không quá vướng víu gì cả. Ngoài ra thì cổng USB Hub có mặt ngay trên bàn phím cũng giúp tôi khá nhiều khi thường xuyên phải đọc dữ liệu trên các flash USB.
Hệ thống đèn LED đơn sắc đỏ tuy hơi đơn điệu nhưng những người yêu thích sự đơn giản như chúng tôi thì lại khá ổn. Các hiệu ứng được cài sẵn cũng dễ dàng được điều khiển thông qua các tổ hợp phím, tuy không nhiều nhưng cũng đủ phong phú để người dùng không thấy nhàm chán.
Tổng kết
Giữa muôn trùng các loại bàn phím cơ được bán trên thị trường, HyperX có thể nói là khá chậm chân khi mới đặt những viên gạch đầu tiên trên lĩnh vực có tính cạnh tranh cao này. Một ngoại hình nam tính, một chất lượng ổn định và một danh tiếng lẫy lừng trong suốt nhiều năm qua của Kingston HyperX có lẽ sẽ là điểm tựa để Gaming gear của hãng có sức bật cao hơn. Bỏ qua danh tiếng, bỏ qua những trải nghiệm xưa cũ về các sản phẩm của HyperX, Alloy FPS Pro và Alloy Elite hoàn toàn thuyết phục được chúng tôi để sở hữu chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét