ASUS ROG SWIFT PG27V khai thác triệt để triết lý “không gì tốt hơn tốc độ bằng tốc độ cao hơn”, kết hợp tần số quét 165 Hz với thời gian đáp ứng 1 ms để tạo ra một trong những dòng màn hình chơi game mượt mà nhất mà bạn có thể sở hữu vào thời điểm hiện tại. Nghĩ đi thì mức giá 22 triệu quả là có cao thật, nhưng nghĩ lại thì hàng khủng mà dành cho game thủ thì cũng chẳng bao giờ có chuyện giá mềm cả.
Thông số kỹ thuật:
- Kích thước màn hình: 27 inch
- Độ cong: 1800R
- Công nghệ màn hình: TN
- Tần số quét: 165 Hz
- Độ phân giải thực: 2560×1440
- Kích thước điểm ảnh: 0.233 mm
- Độ sáng tối đa: 400 nit
- Độ tương phản tối đa: 1000:1
- Tốc độ phản hồi: 1 ms
- Dải màu: 72% NTSC
- Lớp phủ chống chói: có
- Cổng kết nối: HDMI 1.4, DisplayPorrt 1.2, 2 USB 3.0, jack tai 3.5 mm
- Công nghệ bổ trợ: Nvidia G-Sync, 3D, GamePlus, giảm ánh sáng xanh, chống nháy
- Kích thước với chân đế: 614,5 x (422,2 ~ 522,2) x 268,7 mm
- Trọng lượng: 10,6 kg
- Bảo hành: 3 năm
- Giá tham khảo: 22 triệu đồng
ASUS ROG SWIFT PG27V sở hữu thiết kế rất đặc trưng của dòng màn hình ROG 2017, hầm hố và toát lên cái chất chịu chơi của game thủ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngày nay khi ngôn ngữ thiết kế tối giản lên ngôi, nhà nhà đều tối giản thì sự phá cách của ASUS giống như một luồng gió mới đem lại cảm hứng cho người dùng. Âu chăng đó là cái cá tính của game thủ, những người yêu thích sự chú ý thay vì suốt ngày chỉ cắm mắt cắm mũi vào màn hình làm việc trong lặng im như dân văn phòng.
Dĩ nhiên, phần mặt tiền thì màn hình chiếm phần chủ đạo nên ASUS cũng không biến tấu được gì nhiều. Bù lại thì chân đế 3 càng với đèn LED đội thẳng xuống thì không lẫn vào đâu được của ROG. Nếu so với dòng PG258Q mình trên tay đầu năm nay thì có nâng cấp lên chiêu “tràn viền ảo” mà gần đây cũng khá nhiều hãng theo đuổi.
Sở dĩ gọi nó ảo là bởi vì bất chấp nguyên phần kính tràn hết ra ngoài, phần hiển thị thực tế thụt vào trong một tí. Cũng không quá quan trọng, chỉ là nó không ấn tượng như lúc chưa mở lên thôi.
Màn hình của PG27V có độ cong tiêu chuẩn 1800R, được giới thiệu là sẽ đem lại trải nghiệm tốt hơn nhờ mô phỏng tầm nhìn của mắt. Vâng, cá nhân mình chẳng thấy nó tốt hơn màn hình phẳng chỗ nào cả nhưng có lẽ bạn thì khác.
Theo truyền thống, bên dưới chân đế có một cái nắp cho phép bạn thay thế để tạo hình dáng đèn theo ý thích. Bạn có thể ra các tiệm mica nhờ họ làm theo thiết kế của mình, nói chung đây là một cách cá nhân hoá màn hình tuyệt vời.
So với mặt trước thì phần lưng của PG27V ấn tượng hơn rất nhiều. Phong cách cyber cứ như bước ra từ phim Transformer vốn đã ngầu nay còn chói lọi với hệ thống đèn AURA Sync cực kỳ đẹp mắt.
Hơi tiếc là cường độ chỉ ở mức khá, tức là đủ để ngắm thôi. Giá mà ASUS họ quất đèn thật mạnh kiểu như công nghệ ánh sáng dội tường AmbiLight thì chắc còn tuyệt vời hơn nữa.
Các cổng kết nối được giấu rất khéo sau một miếng mặt nạ. Phần này thì ASUS hơi “keo” khi chỉ tích hợp 1 cổng HDMI 1.4 và 1 DisplayPort 1.2 cùng 1 USB Hub mở rộng ra 2 USB 3.0. Cũng cần lưu ý là để lên được 165 Hz thì bạn phải dùng cổng DisplayPort. Màn hình cũng không có sẵn loa nên bạn phải nối loa ngoài/tai nghe trực tiếp từ PC hoặc jack 3.5 mm trên màn.
Chân đế tích hợp một lỗ để bạn luồn dây qua cho gọn. Nhìn chung thì thiết kế chân đế 3 càng của PG27V rất vững chắc, cho phép bạn có thể tuỳ chỉnh độ cao, quay trái phải, lật lên xuống. Đáng tiếc là bạn mất đi tính năng dựng đứng 90 độ, nhưng game thủ thì thực chất cũng không cần lắm.
Cụm nút điều khiển đặt ở phía sau, tuy sẽ mất thời gian nhưng một khi đã quen thì bạn sẽ thao tác rất dễ dàng nhờ kích thước lớn với bề mặt làm rất đặc trưng và joystick.
Yếu tố quyết định để bạn lựa chọn PG27V thay vì những dòng màn hình chơi game khác đó chính là sự cân bằng giữa tần số quét 165 Hz, độ phân giải WQHD và… giá. Cái chuyện giá mình không đùa đâu, vì ASUS còn có dòng PG35VQ cao cấp hơn với độ phân giải UWQHD và tần số quét 200 Hz cùng mức giá nghe nói đâu đó gần 40 triệu.
Độ phân giải QHD (2560×1440) và tần số quét 165 Hz của PG27V về tổng thể là cân bằng rất tốt giữa độ mượt và độ sắc nét, đồng thời cũng không buộc bạn phải sử dụng một dàn PC ngoại hạng để tận dụng nó. Hiện tại ngay cả khi sử dụng card GTX 1080 Ti thì rất ít trò bom tấn bạn có thể đạt được 165fps@QHD để tận dụng được hết khả năng của PG27V. Hoạ may chỉ có CSGO hay Rainbow Six: Siege là kéo nổi chứ lên cỡ Battlefield 1 hay COD:WW2 thì xác định là bó tay.
Một điểm trừ của PG27V chính là ASUS họ sử dụng công nghệ màn hình TN nên chất lượng hình ảnh chỉ dừng lại ở mức khá với độ phủ 72% dải màu NTSC (tương đương khoảng 100% sRGB). Mặc dù không tươi bằng IPS nhưng nhìn tổng thể thì màu sắc của PG27V vẫn khá nhịn mắt, với độ bão hoà dừng ở mức vừa phải chứ không bị đẩy quá tay. Cá nhân mình đánh giá cao ASUS ở chỗ họ cải thiện góc nhìn trái phải rất tốt, chỉ khi bạn nhìn từ góc dưới lên hoặc trên xuống thì độ tương phản mới suy giảm. Âu chăng đây là lý do mà hãng bỏ tính năng xoay 90 độ.
Dù vậy mình cũng thông cảm phần nào việc ASUS chuyển sang công nghệ TN, bởi giờ đây chúng ta có tốc độ phản hồi vỏn vẹn 1 ms. Kết hợp với tần số quét 165 Hz mọi chuyển động trở nên cực kỳ mượt mà khi chơi… CSGO. Xin lỗi nhưng dàn PC Core i7-7700K + GTX 1070 Ti của mình thì chỉ kéo được CSGO thôi.
ASUS cũng tích hợp công nghệ G-Sync cho phép bạn đồng bộ tốc độ dựng hình của card Nvidia với màn hình, giúp triệt tiêu hiện tượng xé hình. Nếu bạn dùng card AMD thì ASUS cũng có dòng XG27V với công nghệ Free Sync nhưng chỉ lên được 144 Hz, được cái giá rẻ hơn phân nửa. PG27V cũng hỗ trợ xem 3D thông qua công nghệ 3D Vision, nhưng không kèm kính cũng như nội dung 3D giờ cũng chẳng còn bao nhiêu.
Hãng tích hợp khá nhiều chế độ hình ảnh mặc định để phù hợp với từng nội dung như Scenery (phong cảnh), Racing (đua xe), Cinema (phim ảnh), RTS/TPG (dàn trận/nhập vai), FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất) và sRGB (chế độ tiêu chuẩn dành cho các bạn cần xử lý màu).
Ngoài ra thì chúng ta còn có chế độ GamePlus đặc trưng của ASUS gồm cho phép đặt hồng tâm giữa màn hình (Crosshair), đặt giờ đến ngược (Timer), đo tốc độ khung hình (FPS Couter) và cân chỉnh khung hình (Display Aligment).
Nói tóm lại là thế này, ASUS PG27V là một trong những màn hình chơi game tốt nhất vào thời điểm hiện tại. Combo QHD, tần số quét 165 Hz và tốc độ đáp ứng 1 ms có thể nói là vô đối trong phân phúc 22 triệu đồng hiện nay nếu bạn muốn trải nghiệm sự mượt mà nhất khi chiến game. Nhưng thật lòng mà nói thì nếu bạn sẵn sàng đánh đổi tốc độ đáp ứng từ 1 ms lên 4 ms, người tiền nhiệm ASUS ROG SWIFT PG279Q vẫn cực kỳ hấp dẫn với tấm nền IPS 165 Hz.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét