Surface Book 2 dù không có nhiều thay đổi về ngoại hình so với phiên bản tiền nhiệm nhưng những nâng cấp của Microsoft trên chiếc máy này rất giá trị. Cấu hình đã mạnh mẽ hơn và được việc hơn nhờ thế hệ vi xử lý Kaby Lake Refresh – lần đầu CPU dòng U có 4 nhân 8 luồng, thêm vào đó là GPU rời thế hệ Pascal. Ngoài ra còn có rất nhiều thay đổi nhỏ khác như cơ chế khóa của bản lền, bàn phím và bàn rê ngon hơn, pin lớn hơn, … tất cả đều nhằm mục đích đưa trải nghiệm sử dụng lên mức tối đa có thể với một chiếc máy tính 2 trong 1 ở vị trí đầu tàu. Trong bài này là phiên bản Surface Book 13,5″, giá $2000.
Thiết kế của Surface Book 2 y hệt Surface Book thế hệ đầu tiên với những đường nét vuông vắn, cứng cáp và nổi bật với bản lề Dynamic Fulcrum Hinge – một thiết kế lấy ý tưởng từ những cuốn sách khiến dòng Surface Book không lẫn vào đâu được trong số những chiếc máy 2 trong 1 trên thị trường.
Chất liệu chế tạo máy vẫn là hợp kim magnesium với màu xám hơi thô đặc trưng của vật liệu này. Cảm giác sờ lên lớp vỏ của Surface Book 2 vẫn như vậy, vẫn hơi rít rít dù bề mặt đã được xử lý nhám mịn. Dù vậy cá nhân mình vẫn rất thích lớp vỏ này bởi nhờ magnesium mà trọng lượng của Surface Book 2 vẫn nhẹ, tổng trọng lượng cả máy vào khoảng 1,6 kg đã tính phần dock bàn phím.
Kể từ thế hệ Surface Book 2 thì Microsoft đã chính thức bổ sung phiên bản 15″ bên cạnh phiên bản 13,5″ truyền thống. Chiếc máy mình mượn được vẫn là 13,5″ và có lẽ đây là kích thước màn hình lý tưởng nhất đối với Surface Book nói chung bởi nó không quá to cũng không quá nhỏ để sử dụng ở nhiều chế độ khác nhau, đặc biệt là ở chế độ máy tính bảng.
Phần máy có độ mỏng 15 mm, về chi tiết thì nhìn ngang có thể thấy sự phân tách giữa phần mặt lưng máy, khoảng trống dành cho hệ thống tản nhiệt và thân máy. Hệ thống khe tản nhiệt này đã được Microsoft cải tiến, nhiều không gian hơn để luồng khí nóng đi ra nhanh hơn.Bên trong vẫn có một quạt mỏng dành cho CPU Core i7-8650U.
Trang bị camera trên Surface Book 2 vẫn tương tự thế hệ trước với camera sau 8 MP hỗ trợ AF, camera trước 5 MP dành cho hội thoại video và chụp selfie khi cần.
Điểm đáng chú ý là camera trước cũng hỗ trợ tính năng đăng nhập bằng khuôn mặt Windows Hello với cảm biến hồng ngoại hỗ trợ nhận diện ban đêm.
Surface Book 2 phiên bản 13,5″ có thông số màn hình tương tự phiên bản trước với màn hình PixelSense, tấm nền IPS góc nhìn rộng, độ phân giải 3000 x 2000 px theo tỉ lệ 3:2. Chất lượng hiển thị, độ tương phản của màn hình đều rất tốt và độ sáng cũng có phần cao hơn. Màn hình cảm ứng hỗ trợ 10 điểm chạm và tương thích với các phụ kiện như bút Surface Pen và núm xoay Surface Dial. Điều đáng tiếc là với Surface Book 2, Microsoft không tặng kèm Surface Pen mà chúng ta phải mua thêm giá $100.
2 loa được đặt khá kín trên viền màn hình, hệ thống loa này hỗ trợ công nghệ Dolby Audio Premium và Dolby Atmos cho tai nghe qua jack 3,5 mm.
Khi gập lại, Surface Book 2 vẫn có khoảng hở giữa bàn phím và màn hình, nó vừa đủ để phân tách 2 thành phần này chống trầy xước màn hình cũng như lún phím khi gập lại. Có một điều mình không thích lắm trên Surface Book 2 là Microsoft tích hợp nam châm trên đỉnh máy để khi gập vào dock bàn phím thì máy có thể đóng kín nhưng lực hút rất lớn trong khi cạnh trước lại vuông. Vì vậy khá là khó khăn để mở màn hình ra, mình thường phải dùng 2 tay và chuyện mở bằng 1 tay hầu như là không thể dù rằng bản lề đủ mượt để giữ cân bằng giữa màn hình và thân máy.
Phần máy và dock bàn phím kết nối với nhau thông qua cổng Surface Connect và được giữ chắc nhờ các ngàm giữ. Để tháo mở chúng ta chỉ việc nhấn một nút trên bàn phím, âm thanh ngắt kết nối phát ra rõ ràng cho biết máy đã được ngắt kết nối khỏi dock.
Điểm cải tiến là Microsoft đã thay đổi cơ chế khóa bên trong phần máy. Hãng vẫn dùng dây cơ (Muscle Wire) để truyền động cho cơ chế mở và khóa nhưng bổ sung thêm một chiếc lẫy bằng gốm để giữ chặt máy với dock, từ đó giải quyết tình trạng rung lắc màn hình khi sử dụng thường thấy trên Surface Book thế hệ trước.
Góc mở của bản lề không lớn, chỉ khoảng 110 độ nhưng điều này không thành vấn đề bởi chúng ta có thể tháo màn hình ra để sử dụng theo các tư thế khác nhau.
Chuyển sang phần dock thì các cổng kết nối chính đều được đặt trên thành phần này. Dock của Surface Book 2 có 2 cổng USB 3.0 chuẩn A cùng khe đọc thẻ SD tại cạnh trái và cổng Surface Connect dùng để sạc + kết nối với phụ kiện Surface cùng cổng USB 3.1 Gen1 chuẩn C tại cạnh phải. Như vậy Surface Book 2 là chiếc máy đầu tiên trong dòng Surface có cổng USB-C nhưng đáng tiếc chỉ là USB 3.1 Gen1 với tốc độ 5 Gbps thay vì Thunderbolt 3. Ngoài ra Microsoft đã loại bỏ cổng trình xuất mini DisplayPort vốn luôn có trên các phiên bản Surface trước và chúng ta buộc phải tìm giải pháp trình xuất bằng cáp USB-C sang DisplayPort.
Phần bàn phím và bàn rê cũng được cải tiến đôi chút, đặc biệt là bàn phím với hành trình phím dài hơn mang lại cảm giác gõ sướng hơn. Bàn phím tích hợp đèn backlit 3 mức sáng và layout hợp lý dễ làm quen. Riêng phần bàn rê vẫn có kích thước như cũ, bề mặt phủ kiếng và hỗ trợ các thao tác đa điểm với độ chính xác và độ nhạy cao nhờ driver Microsoft Precision Touchpad.
Dock bàn phím của Surface Book 2 còn được nâng cấp với GPU rời Nvidia GeForce GTX 1050 cùng hệ thống tản nhiệt cải tiến. GTX 1050 có hiệu năng có thể so sánh tương đương với GTX 965M trên phiên bản Surface Book Performance (cao cấp nhất của thế hệ trước). Ngoài GTX 1050 thì Microsoft còn cung cấp tùy chọn GTX 1060 trên Surface Book 2 bản 15″.
Đã đến lúc nói về cấu hình của Surface Book 2 13″, với chiếc máy trên nó được trang bị:
- CPU: Intel Core i7-8650U (Kaby Lake-R) 4 nhân 8 luồng, 1,9 > 4,2 GHz (Turbo Boost), 8 MB Cache, TDP 15 W;
- GPU: Intel UHD Graphics 620 + Nvidia GeForce GTX 1050 (Pascal) 2 GB GDDR5;
- RAM: 8 GB LPDDR3-1866, dual-channel;
- SSD: 256 GB Samsung PM961 PCIe 3.0 x4 NVMe;
- Kết nối: Bluetooth 4.1 LE + Marvell AVASTAR Wireless-AC;
- Pin: 75 Wh gồm 57 Wh tích hợp trên dock và 18 Wh trên máy;
- OS: Windows 10 Pro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét