Mới đây Qualcomm đã cùng HP, Asus giới thiệu hai chiếc máy tính đầu tiên có khả năng chạy Windows 10 đầy đủ trên nền tảng vi xử lý ARM mà cụ thể là Snapdragon 835. Và điều tuyệt vời nhất là gì? Đó là bạn có thể chạy tất cả những ứng dụng Windows mà bạn yêu thích và cần cho công việc trong một chiếc máy mỏng, nhẹ với thời lượng pin lên đến tận 20 tiếng, dễ dàng lọt vào top những chiếc PC có thời gian sử dụng lâu nhất hiện nay. Chưa hết, vì chạy nền tảng chip vốn được làm cho smartphone nên các máy laptop này cũng có khả năng kết nối 4G LTE, và một thể loại máy tính, một hệ sinh thái mới đã ra đời từ đây: Always Connected PC. Bỗng nhiên thị trường PC trở nên cực kì vui vẻ, hữu ích và có tính kết nối rộng hơn bao giờ hết.
Thực ra laptop ARM đã có từ lâu, ví dụ rõ nhất là Microsoft Surface, sau đó Dell, Asus cũng có ra thêm vài chiếc nữa. Đó là cái thời mà Windows 8 bắt đầu xuất hiện và Microsoft tin rằng loạt thiết bị ARM này có thể giúp mở ra một hướng đi mới cho ngành laptop. Nhưng tiếc thay, sự tệ hại của Windows 8 kết hợp với hạn chế lớn về việc không thể chạy những ứng dụng desktop đã khiến kế hoạch đó phá sản. Những chiếc máy tính ARM bị ruồng bỏ, chẳng ai thèm mua, các hãng sản xuất cũng mau chóng nhận ra sự thất bại và họ đã không còn kinh doanh mặt hàng này.
Nhưng ý định đó chưa bao giờ chết trong tim Microsoft. Họ vẫn ấp ủ một ngày nào đó có thể làm ra những chiếc máy mỏng nhẹ chạy full Windows với tất cả những gì người dùng quen thuộc. Thế là đầu năm 2017, Microsoft kết duyên lại với Qualcomm và họ quyết tâm sẽ đưa ra những chiếc laptop ARM đủ hấp dẫn để người dùng bỏ tiền ra mua và tránh được những sai lầm lớn của Windows 8 thời trước. Bản thân Microsoft sẽ làm cho Windows 10 chạy tốt với ARM nhờ các tầng giả lập mới, trong khi Qualcomm làm việc với các đối tác phần cứng để thiết kế và tối ưu thiết bị.
Và cuối cùng ngày thu hoạch cũng đã tới, HP Envy x2 và Asus NovaGo là hai chiếc máy tính đầu tiên chạy Snapdragon 835 trên Windows 10. Bạn có thể xem kĩ hơn về hai chiếc máy tính này trong bài: Asus, HP ra mắt hai laptop Windows 10 đầu tiên dùng Snapdragon 835, pin trên 20 tiếng!.
Hướng đi mới này cân bằng được 2 yếu tố quan trọng: hiệu năng < > thời lượng pin. Trước giờ chúng ta quen sử dụng các máy laptop dùng chip Intel, chúng mạnh thật đấy, nhưng nếu đem thời gian dùng pin để so với điện thoại hay tablet Android, iPad thì vẫn còn thua khá xa. Một trong những lý do của việc này là vì CPU Intel có mức độ tiêu thụ điện cao hơn so với chip ARM đang dùng bởi thiết bị di động. Ngoài ra, CPU Intel cũng tỏa nhiệt nhiều hơn nên đa phần laptop hiện nay cần thêm quạt tản nhiệt, cũng lại là một thứ tốn nhiều điện để vận hành, đồng thời khiến máy dày lên.
Bo mạch của máy dùng Snapdragon 835 so với máy dùng chip Intel
Trong khi đó, chip Snapdragon 835 (và những dòng ARM nói chung) lại tiêu thụ điện ít hơn rất nhiều, chúng cũng tỏa ít nhiệt nên không cần hệ thống tản nhiệt riêng. Hiệu năng của những con chip này lại đang tăng nhanh từng ngày, và ở Snapdragon 835 nó đã đủ mạnh mẽ để có thể vận hành cả một nền tảng Windows 10 đồ sộ. Có thể khi đối đầu trực tiếp với Intel thì Snap 835 vẫn còn thua ở khoảng cách kha khá nhưng vẫn nằm trong mức chấp nhận được, và với những người dùng máy tính bình thường chỉ chạy app văn phòng, nghe nhạc, chơi game nhẹ nhẹ thì Snap 835 hoàn toàn đủ sức gánh. Khi kết hợp với thời lượng pin 20+ tiếng và thiết kế mỏng nhẹ, những cái được lớn hơn những cái mất rất nhiều, và đây là cách Qualcomm, HP, Asus bán máy cho khách hàng.
Chip ARM cũng trở thành nền tảng cơ bản cho Always Connected PC, nó giống như một bước đi tự nhiên dành cho ngành PC và mối quan hệ giữa Qualcomm với Microsoft đã thúc đẩy bước đi này nhanh hơn. Trong SoC Snapdragon 835 đã có sẵn các kết nối cần thiết như Wi-Fi, Bluetooth, modem 4G (tên là Snapdragon X16 LTE), GPS… nhờ vậy mà việc đưa 4G lên laptop trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng hơn và tiết kiệm được chi phí, công sức cho hãng sản xuất máy tính. Tất cả những thứ này đã chạy ổn trên smartphone rồi, giờ chỉ cần tinh chỉnh lại nó cho phù hợp với Windows là ổn, và người làm vụ này là Microsoft, Qualcomm chứ các hãng cũng không cần can thiệp nhiều.
Ở cái thời mà 4G trở nên phổ biến, tầm phủ sóng tăng lên và giá cước rẻ đi, Always Connected PC sẽ phát triển rất nhanh chóng. Hãy tưởng tượng bạn có thể làm việc hoặc chơi game online bất kì khi nào bạn thích, không cần phải vất vả đi tìm chỗ có Wi-Fi, cũng chẳng cần xài điện thoại phát Wi-Fi cho laptop thì có sướng không? Tự bản thân chiếc máy tính của bạn đã có khả năng vào mạng liên tục, quá tốt khi đi trên đường công tác, thức dậy ở một nơi xa hoặc chỉ đơn giản là có cách để vào Internet khi Wi-Fi hỏng.
Asus NovaGo, một trong hai chiếc Always Connected PC vừa ra mắt
Và cũng như smartphone, tablet, các máy tính dạng Always Connected PC sẽ không cần phải shutdown, chúng sẽ chạy liên tục và ngay khi bạn cần sử dụng thì chúng sẽ thoát khỏi chế độ sleep để sẵn sàng phục vụ bạn trong tích tắt. Bạn không cần phí cả tuổi thanh xuân để chờ máy shutdown và khởi động lâu lắc. Xong việc? Gập màn hình lại và bước đi như một vị thần. Cần làm việc? Ngồi xuống, mở nắp máy, búng tay cái chóc là đã có thể bắt đầu gõ gõ click click rồi.
So với thị trường PC dùng chip Intel đang bão hòa và nhàm chán, Always Connected PC nói chung và Snapdragon 835 đã thổi một làn khí mới vào thị trường này. Nó giống như một cơn gió xuân ấm áp, vui vẻ, đầy hương hoa thổi vào một khu vực đang lạnh giá vì băng tuyết. Nó cũng mở ra rất nhiều tiềm năng mới cho ngành PC di động, đồng thời mang đến rất nhiều lợi ích dành cho người tiêu dùng. Anh em Tinh tế chúng ta sẽ được sử dụng những chiếc laptop mỏng hơn, nhẹ hơn, xịn hơn, kết nối cao hơn. Nghĩ tới là đã thấy vui rồi…
À, Intel cũng không ngồi yên đâu, họ cũng có modem 4G LTE của riêng mình, và đang làm việc với Microsoft để chuẩn bị mở rộng nó trong thời gian tới. Hãy chờ xem, thị trường Always Connected PC sẽ còn nhiều trò hay ho lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét