Nếu bạn đang quan tâm đến các laptop 2 trong 1 thì HP Spectre x360 là một trong những sự lựa chọn đáng cân nhắc. Nó không những đáp ứng tốt các nhu cầu của một máy tính xách tay thông thường mà còn có thể biến hình thành một chiếc máy tính bảng để phục vụ các nhu cầu công việc và giải trí khác nhau một cách linh hoạt, đồng thời dễ dàng mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi.
Tiếp nối thành công của thế hệ trước, mẫu laptop HP Spectre x360 (2017) được thương hiệu máy tính Mỹ ra mắt với những cải tiến về thiết kế cũng như hiệu năng, đi kèm màn hình lớn 15 inch cùng điểm nhấn là khả năng xoay lật 360 độ. Đây là mẫu máy tính tính xách tay có kiểu dáng đẹp, màn hình 4K chất lượng tốt và tuổi thọ pin dài.
Mẫu máy này có nhiều phiên bản được bán với giá từ 1279 – 1699 USD tùy theo cấu hình (khoảng 29,5 – 39 triệu đồng). Phiên bản chúng tôi đánh giá hôm nay có giá 1499 USD (khoảng 34,5 triệu đồng) với cấu hình gồm: CPU Intel Core i7-7500U 2.9GHz, RAM 16GB, ổ cứng SSD 512GB, card đồ họa rời Nvidia GeForce 940MX 2GB. Với phiên bản 1279 USD (29,5 triệu đồng), cấu hình hạ xuống gồm 8GB RAM và ổ cứng SSD 256GB, trong khi mẫu 1699 USD dung lượng lưu trữ tăng lên đến 1TB. Tất cả các model đều có màn hình 4K và bút stylus đi kèm.
Bài đánh giá này được VnReview tổng hợp từ trang LaptopMag và một số trang khác để cho bạn cái nhìn đầy đủ nhất về HP Spectre x360 2017.
Thiết kế
HP Spectre x360 2017 thừa hưởng thiết kế đẹp mắt của phiên bản năm ngoái, toàn bộ thân máy được tiện CNC từ một miếng nhôm nguyên khối mang lại cảm giác cao cấp và cứng cáp.
Phần vỏ trên của máy được làm sần nhẹ tương tự như lớp vỏ của Macbook, có khả năng chống bám vân tay rất tốt. Logo HP kiểu mới được dập ở chính giữa tạo điểm nhấn. Lớp vỏ này được phủ màu xám sẫm ánh đồng tạo nên sự khác biệt so với màu ánh bạc năm ngoái và các sản phẩm tương tự trên thị trường.
Vỏ nắp máy sần mịn và khó bám vân tay, logo HP kiểu mới tạo điểm nhấn
Hai cạnh bên và cạnh trước của máy phẳng và bóng ánh đồng hơn so với các khu vực khác, cạnh sau được ôm cong tròn. Với bản lề có khả năng lật ngược 360 độ, mẫu laptop này có thể biến hình trở thành một chiếc máy tính bảng một cách nhanh chóng.
Bản lề đặc biệt cho phép màn hình lật ngược 360 độ để biến thành máy tính bảng
Với trọng lượng 2kg, kích thước 35,5 x 22,6 x 1,78 cm, Spectre x360 2017 chỉ dày hơn khoảng 4mm so với phiên bản 2016. HP cho biết rằng độ dày này cho phép trang bị một viên pin dung lượng cao hơn. Nếu so với các laptop ở cùng phân khúc, mẫu laptop của HP có kích thước và trọng lượng nằm ở mức trung bình cho một chiếc laptop 15 inch 2 trong 1. Nó vẫn lớn hơn chiếc Lenovo Yoga 910 (1,36kg và 32,2 x 22,3 x 1,5 cm), nhưng nhỏ, nhẹ hơn so với Dell Inspiron 15 7000 2 trong 1 (2,08 kg, 37,8 x 25,14 x 1,77 cm) và Samsung Notebook 7 Spin (2,26 kg, 35,56 x 25,65 x 2 cm). Về cơ bản thì trọng lượng và kích thước như vậy là vừa đủ để bạn dễ dàng mang theo bên mình hàng ngày.
Cổng kết nối
HP đang tiếp tục xu hướng tinh giản các cổng kết nối trên thiết bị cao cấp nhưng nhìn chung Spectre x360 vẫn đáp ứng các chức năng kết nối cần thiết. Cạnh bên trái của máy có một cổng USB 3.0 với khả năng sạc điện thoại kể cả khi máy ở chế độ ngủ (Sleep-and-Charge), một jack audio 3.5 và một khe cắm thẻ nhớ SD.
Cạnh trái của HP Spectre x360 2017
Còn phía cạnh phải có một cổng USB type C với khả năng chuyển đổi dữ liệu, sạc pin với thiết bị khác đồng thời là cổng sạc cho laptop. Ngoài ra, còn có 1 cổng Thunderbolt 3 và 1 cổng HDMI. HP cho biết công nghệ sạc nhanh của họ có thể nạp 50% pin cho máy chỉ trong nửa giờ.
Cạnh phải
Màn hình
Mẫu Spectre x360 năm nay của HP sở hữu màn hình lớn hơn so với thế hệ năm ngoái. Màn hình của máy có kích cỡ 15.6 inch độ phân giải tới 4K và vẫn thừa hưởng thiết kế ấn tượng của model Spectre năm ngoái. Màn hình được đặt bên trong một lớp kính cường lực tràn ra các cạnh và lớp kính được ép rất sát với tấm nền hiển thị giúp hình ảnh nổi khối hơn. Viền ở hai cạnh bên cũng rất mỏng giúp màn hình thêm rộng rãi và có cảm giác lớn hơn con số 15.6 inch trên các laptop thông thường.
Màn hình của máy bao phủ 113,2% phạm vi màu sRGB, vượt qua tỉ lệ trung bình 92% của laptop. Trong đó Yoga 910 là 98%, Notebook 7 Spin (72%), Inspiron là 62%.
Màn hình độ phân giải 4K
Sử dụng thực tế cho thấy màu sắc sống động của Spectre x360 không phải lúc nào cũng chính xác. Điều này thể hiện rõ ràng hơn khi đo bằng công cụ chuyên dụng. Màn hình có điểm số chính xác màu Delta-E là 3,5 (0 là lý tưởng), cao hơn mức trung bình (2,4) và cao hơn nhiều so với Yoga (0,8), Inspiron (0,9) và Notebook 7 Spin (1,8).
Trong bài kiểm tra của LaptopMag, màn hình có độ sáng đạt 255 nits, thấp hơn một chút so với mức trung bình của các mẫu laptop (268 nits), Notebook 7 Spin (260 nits) và Yoga 910 (292 nits).
Bàn phím, Touchpad và bút Stylus
Bàn phím trên Spectre x360 thuộc dạng Island với các phím nằm tách biệt nhau, nổi bật lên khỏi bề mặt. Hành trình của mỗi phím đo được là 1,5mm – tương đối ngắn nhưng nó đòi hỏi lực bấm lại khá nhẹ, chỉ khoảng 50g khiến cho quá trình gõ dễ bị “chạm đáy”. Nếu là hành trình phím dài hơn (từ 2mm) có lẽ sẽ thích hợp hơn. Kiểm tra đánh máy với 10fastfingers.com, tốc độ gõ phím khá hơn một chút so với trên chiếc laptop Acer E571 nhưng rõ ràng là Spectre x360 chưa mang đến sự dễ chịu khi gõ phím.
Máy có touchpad lớn
Touchpad trên Spectre rộng rãi và đáp ứng tốt. Bạn có thể duyệt web, cuộn bằng hai ngón tay và sắp xếp lại các cửa sổ một cách thoải mái. HP cho biết họ đã rất nỗ lực trong việc tùy chỉnh lại bàn phím và touchpad trên sản phẩm của mình. Và với Spectre X360, họ đã thực sự thành công với phần touchpad trong khi bàn phím sẽ cần phải cải thiện thêm.
Đi kèm với máy còn có bút Stylus Active Pen để bạn có thể thao tác chính xác hơn trên màn hình cảm ứng. Chiếc bút này hỗ trợ 2048 mức độ lực khác nhau. Trên thân bút có hai nút có thể được lập trình với ứng dụng HP Pen Control để nhấp chuột phải, chụp ảnh màn hình, thay đổi âm lượng của máy tính và nhiều chức năng khác. Bút stylus dày hơn một chút so với trung bình các mẫu stylus khác và rất thoải mái khi cầm nắm. Bút Stylus giúp việc viết, vẽ, ghi chú nhanh trên Spectre X36 tiện lợi hơn hẳn. Tiếc là HP không thiết kế khe cắm bút hay tích hợp nam châm vào thân bút để dễ dàng gắn bút vào thân máy như Samsung hay Microsoft từng làm.
Bút Stylus đi kèm
Âm thanh và Webcam
Sự hợp tác của HP với Bang & Olufsen tiếp tục mang lại lợi ích cho Spectre x360. Chúng ta có bốn loa thông minh nằm ở hai bên của bàn phím và hai loa ở dưới mặt đáy giúp Spectre X360 cung cấp trải nghiệm âm thanh tối ưu ở bất cứ chế độ nào. Đặc biệt khi đặt máy ở chế độ chữ “V” ngược hoặc chế độ máy tính bảng, máy sẽ phát huy tốt nhất khả năng âm thanh tràn ngập với chất lượng mạnh mẽ.
Hai loa phía trên nằm ở hai bên cạnh của bàn phím
Bật bài “Losing My Way” của Justin Timberlake, âm thanh mang đến có thể lấp đầy cả một căn phòng cỡ 15 mét vuông và chất lượng khá cân bằng giữa giọng hát chính, giọng đệm, nhạc cụ. Nếu muốn tiếng bas hoặc treble dày và chắc hơn nữa bạn có thể điều chỉnh trong phần mềm điều khiển âm thanh Bang & Olufsen Audio Control để chúng nhịp nhàng hơn.
HP Spectre x360 có camera độ phân giải 1080p cho chất lượng trung bình khá. Chụp thử một số ảnh ở khu bàn làm việc thì màu sắc cũng như đồ vật được hiển thị khá chính xác và rõ ràng. Tuy nhiên những chi tiết nhỏ, cụ thể như tóc thì rất khó thấy. Về cơ bản, camera của máy tạm đủ để đáp ứng video conference, chat video, live stream với nhu cầu không quá cao.
Hiệu năng
Phiên bản HP Spectre x360 2017 được đánh giá trong bài có cấu hình cụ thể gồm: CPU Intel Core i7-7500U 2.9GHz, RAM 16GB, ổ cứng SSD 512GB, đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 620, card đồ họa rời Nvidia GeForce 940MX 2GB, màn hình 15.6 inch 4K được bán với giá khoảng 34,5 triệu đồng (1.499 USD).
Theo kiểm nghiệm của Laptopmag, Spectre mất 3 phút 34 giây để ghép 20.000 tên và địa chỉ trong bảng tính macro của OpenOffice, tương đương với mẫu máy Yoga. Chậm hơn mức trung bình (4:22), cũng như Notebook 7 Spin (4:03) và Inspiron (4:47).
Mở 30 tab trong Chrome, một trong số đó đang phát trực tuyến video YouTube chất lượng 1080p, máy vẫn không có dấu hiệu chậm lại hay có độ trễ trong thao tác.
Về kết quả thử nghiệm Geekbench 4, Spectre x360 đạt được điểm số 8.017, thấp hơn một chút so với Lenovo Yoga 910 (Core i7-7500U, 8,102). Cả hai đều chưa đạt đến mức điểm trung bình 10.681, nhưng cũng không có gì lạ bởi CPU i7 phiên bản U vẫn chỉ là bản tiết kiệm năng lượng với hiệu suất giới hạn.
Thử nghiệm sao chép 4,97 GB các tệp đa phương tiện, máy hoàn thành chỉ trong 18 giây, tương đương tốc độ 282,1 MB/giây. Kết quả này nhanh hơn điểm số trung bình (168MB/s), và vượt trội so với mẫu notebook Samsung Spin 7 (77.3MB/s), Dell Inspiron (122.6MB/s) và Yoga (195.7MB/s).
Thử nghiệm một chút với game, sử dụng card đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 620, Spectre chạy Dirt 3 ở tốc độ 29 khung hình/giây ngang bằng mức trung bình 29fps nhưng vẫn dưới ngưỡng ổn định 30 khung hình/giây. Ngay cả khi sử dụng card đồ họa rời Nvidia GeForce 940MX hiệu suất chơi game cũng không cải thiện nhiều. Thử nghiệm với tựa game Rise of the Tomb Raider ở mức thiết lập đồ họa thấp nhất, máy cũng chỉ đạt 15.2 khung hình/giây, game giật lag nặng, khó lòng chơi nổi.
Với phần mềm đánh giá đồ họa 3DMark, Spectre đạt được điểm số 93.759, vượt qua mức trung bình (83.427), Samsung Spin 7 (940MX, 88.956), Yoga 910 (Intel HD Graphics 620: 77.093) và Inspiron (Intel HD Graphics 520: 64.067). Nhìn chung, khả năng xử lý đồ họa của Spectre thích hợp hơn với các tựa game nhẹ nhàng và chỉnh sửa ảnh, biên tập video cơ bản.
Nhiệt độ và Thời lượng pin
Spectre tỏ ra hơi nóng khi sử dụng liên tục trong thời gian dài. Sau 15 phút xem video HD từ YouTube, nhiệt độ đo được ở bàn di chuột là gần 33 độ C, trung tâm của bàn phím đạt đến 36 độ và đáy của máy đạt đến 41 độ. Trong khi đó ngưỡng an toàn ở mức 35 độ.
Mặc dù màn hình 4K nhưng Spectre x360 có thời lượng pin khá tốt. Trong phiên bản năm nay, HP cũng đã tập trung cải thiện về tuổi thọ pin cho Spectre X360. Cụ thể, chiếc máy tính này chạy được 8 tiếng 36 phút với bài kiểm tra duyệt web liên tục qua Wi-Fi. Mẫu năm ngoái với màn hình 1080p chỉ chạy được 8 tiếng 27 phút. Vì vậy đây là một cải tiến ấn tượng, trung bình các laptop khác ở mức là 6h43p, cụ thể Inspiron đạt 6h55p, Samsung Spin 7 kém hơn với 5h53p, nhưng Lenovo Yoga 910 lại vượt trội với thời gian là 10h36p.
Phần mềm và Bảo hành
HP Spectre x360 2017 đi kèm một loạt phần mềm, bao gồm một số phần mềm độc quyền của HP. HP’s Audio Switch giúp dễ dàng chuyển đổi đầu ra âm thanh qua HDMI. Phần mềm Orbit là một trong số các ứng dụng hữu ích nhất của HP, nó khá giống ứng dụng SHAREit của Lenovo giúp nhanh chóng gửi file, chuyển hình ảnh từ điện thoại với máy tính một cách nhanh chóng.
Máy được bảo hành 1 năm tương đương hầu hết các laptop hiện nay.
Kết luận
Có thể thấy HP Spectre x360 2017 là mẫu máy có nhiều ưu điểm, đó là màn hình 15.6 inch độ phân giải 4K sắc nét, hiệu năng nhanh nhẹn, thời lượng pin tốt và loa chất lượng. Tuy nhiên nó cũng có một số nhược điểm nhỏ như nhiệt độ hơi cao trong quá trình sử dụng và đồ họa Nvidia GTX 940MX vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Nếu không quan tâm đến màn hình độ phân giải 4K và thích thời lượng pin lâu (10,5h), Lenovo Yoga 910 giá 1199 USD là một lựa chọn tốt, nhưng nó thiếu cổng Thunderbolt 3 và khe cắm thẻ nhớ SD mà Spectre x360 cung cấp. Nếu giá cả là một yếu tố quan trọng, Dell Inspiron 15 7000 2-trong-1 sẽ chiếm ưu thế, với giá 750 USD cho màn hình 1080p nhưng nó cũng không có cổng Thunderbolt 3.
Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một mẫu máy tính 2 trong 1 với màn hình 15 inch, hiệu suất tốt, thiết kế tinh tế, tuổi thọ pin cao và khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa laptop và tablet, Spectre X360 không chỉ là một trong những dòng máy tính xách tay 2 trong 1 tốt nhất hiện nay, mà thậm chí là sản phẩm tốt nhất từ trước đến nay của HP. Đây là sản phẩm mà bạn rất nên cân nhắc.
Ưu điểm:
+ Màn hình 4K chất lượng cao
+ Thiết kế đẹp, sang trọng
+ Thời lượng pin lâu
+ Loa ngoài chất lượng tốt
+ Hiệu suất nhanh nhẹn
Nhược điểm:
– Khá nóng khi sử dụng
– Khả năng xử lý đồ họa hạn chế
– Bàn phím, webcam chất lượng trung bình
– Chỉ có 1 cổng USB Type B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét