Trên Windows 10 Fall Creators thì Microsoft đã bắt đầu triển khai Windows Mixed Reality – thực tế hỗn hợp. MR là một khái niệm mới và dễ bị hiểu lầm với VR, về cơ bản MR là một dạng kết hợp giữa thé giới thực và thế giới ảo với nhau để tạo ra một môi trường mới trong đó các vật thể vật lý (thật) và đồ họa (ảo) xuất hiện cùng nhau và tương tác với nhau theo thời gian thực. Thêm vào đó điều mà Microsoft hứa hẹn là MR sẽ dễ tiếp cận hơn bởi những chiếc kính đeo đầu MR sẽ rẻ hơn nhiều so với VR và hôm nay thì mình mượn được chiếc kính MR đầu tiên của Acer với tên gọi Acer Windows Mixed Reality HMD (Head-Mounted Display) Developer Edition, tên mã là AH100. Mời anh em cùng mình khám phá thế giới ảo.
Đầu tiên về Acer Windows MR HMD thì đây là một trong số 5 chiếc kính được các OEM của Microsoft ra mắt tại triển lãm IFA vừa qua, chiếc kính của Acer xuất hiện sớm nhất, sau đó có kính của HP, Lenovo, Dell và ASUS. Chiếc kính này có giá bán lẻ khoảng 7 triệu đồng – một mức giá rất hấp dẫn đối với kính thực tế ảo, mình kiểm tra giá này trên Microsoft Store và hiện tại đang không còn hàng.
So với những chiếc kính mà mình từng dùng qua như Oculus Rift và HTC Vive thì chiếc kính của Acer AH100 có thiết kế khá đẹp, đơn giản hơn. Về cơ bản, chiếc kính có phần màn hình HMD tích hợp cảm biến, camera và hệ thống thấu kính.
Phần HMD này có thiết kế khá độc đáo khi nó khiến mình nghĩ đến ngay nhân vật Cyclops với đôi mắt phóng tia laser trong series anh hùng của Marvel, đeo vào thấy ngầu lạ. 2 bên khu vực màu đen này là 2 camera theo dõi chuyển động B+W VGA, hệ thống camera này sẽ theo dõi hướng chuyển động đầu của bạn từ đó mang lại trải nghiệm điều khiển lồng ghép giữa môi trường thật và ảo. Đi kèm với 2 camera này là hệ thống cảm biến gồm con quay hồi chuyển, gia tốc kế, từ kế, cảm biến tiệm cận tương tự như các loại kính VR khác.
Bên trong HMD là hệ thống thấu kính và màn hình. 2 thấu kính này có chất lượng khá tốt, trường quan sát tối đa 95 độ và khoảng cách giữa 2 đồng tử (IPD) cố định ở 63 mm, chúng ta có thể chỉnh thêm giảm 8 mm bằng phần mềm. Việc cho phép điều chỉnh IPD rất quan trọng bởi đối với một số người thì khoảng cách này sẽ lớn hơn đôi chút, chúng ta cần điều chỉnh sao cho phù hợp để đạt được trải nghiệm hình ảnh rõ ràng nhất.
Mỗi thấu kính kết nối với một màn hình, mỗi chiếc có kích thước 2,89″, độ phân giải 1440 x 1440 px (706 ppi), tốc độ làm tươi tối đa 90 Hz (HDMI 2.0) hoặc 60 Hz (HDMI 1.4). Như vậy với thông số này thì chất lượng hiển thị của Acer AH100 có phần cao hơn đôi chút so với thông số của HTC Vive hay Oculus Rift với độ phân giải mỗi màn hình là 1080 x 1200 px. Ngoài ra trên HMD còn có jack âm thanh 3,5 mm.
Toàn bộ phần HMD được kết nối với bộ khung giữ bằng nhựa mềm, vòng đeo quanh đầu có thể điều chỉnh được dễ dàng và đặc biệt là khớp lật giữa HMD và khung cho phép chúng ta trở lại thế giới thực ngay mà không phải tháo cả kính ra. Phần đệm bên trong cũng mềm dễ chịu.
Acer AH100 sẽ sử dụng với máy tính Windows 10, kết nối thông qua một sợi cáp dài 4 m với 2 đầu gồm HDMI và USB 3.0. Mình sử dụng chiếc kính này với chiếc laptop ThinkPad P70 với cấu hình CPU Intel Xeon E3-1505M v5, GPU Nvidia Quadro M4000M, 16 GB RAM. Thêm nữa là chiếc kính này không đi kèm với bộ điều khiển nên mình dùng tay cầm Xbox One Controller. Mình nghĩ nên dùng với tay cầm này bởi nó được Microsoft khuyên dùng và hỗ trợ đầy đủ các tính năng với MR.
Đầu tiên cắm một đầu HDMI vào máy, một đầu USB 3.0 để lấy điện, sau đó mở ứng dụng Mixed Reality Portal trên Windows 10 lên. Đây cũng là điểm khác biệt chính giữa những chiếc kính MR và kính VR như HTC Vive. Kính MR như Acer AH100 này sẽ phụ thuộc nhiều vào môi trường Mixed Reality Portal trên Windows 10 trong khi đó HTC Vive hay Oculus Rift đều có nền tảng riêng. Hệ sinh thái MR của Microsoft hiện rất mới mẻ nhưng đầy tiềm năng và nó tiềm năng như thế nào thì mời anh em cùng mình tìm hiểu tiếp nhé.
Điều cần lưu ý là máy tính phải đang chạy Windows 10 Fall Creators Update vừa được Microsoft phát hành.
Sau khi cập nhật xong thì anh em mới dùng được ứng dụng Mixed Reality Portal. Ứng dụng này sẽ hướng dẫn thiết lập chiếc kính, quá trình này khá đơn giản bởi bạn chỉ việc chọn môi trường sử dụng gồm 2 môi trường: 1 là trong không gian tự do, chúng ta sẽ đứng và tương tác; 2 là trong không gian cố định, chúng ta sẽ ngồi một chỗ và tương tác. Khi mới gắn kính vào lần đầu thì sẽ mất kha khá thời gian để Mixed Reality Portal cài đặt driver, những lần sau cắm vào là chạy thôi, rất nhanh.
Trải nghiệm kính MR trên Windows 10:
Mixed Reality Portal đưa mình đến một căn nhà với nhiều phòng, nhiều bức tường và trên mỗi bức tường là một ứng dụng Windows quen thuộc như Skype, Edge, Groove Music … Với chiếc tay cầm Xbox One, chúng ta có thể dùng 2 cần joystick để điều hướng, cần bên trái sẽ cho chúng ta chọn điểm muốn để trong môi trường này trong khi cần phải sẽ xoay hướng trái phải trên dưới.
Một góc trong căn phòng Mixed Reality Portal, khi bước vào sảnh bạn sẽ thấy Microsoft Store ngay trước mặt để chúng ta có thể nhanh chóng cài đặt các ứng dụng. Hiện tại mục ứng dụng dành riêng cho MR chỉ có 3 ứng dụng, 2 ứng dụng hay là Holograms và HoloTour do chính Microsoft phát triển.
Đây là Holograms, một ứng dụng cung cấp nhiều thứ để chúng ta trang trí trong căn nhà MR. Chẳng hạn như mình đã gắp con tắc kè hoa này ra, chúng ta có thể tùy chỉnh kích thước của nó, di chuyển vị trí và nhấn nút Play để nó đạp xe vòng vòng khá thích mắt.
Để gắn một ứng dụng nào đó lên tường thì trên tay cầm Xbox One, chúng ta nhấn vào nút logo chữ X để mở Menu và Start Menu quen thuộc của Windows 10 sẽ xổ ra với loạt ứng dụng hỗ trợ MR. Đây là những ứng dụng UWP thông thường mình đã cài trên máy tính, nếu nó hỗ trợ MR thì sẽ hiện ra trong danh sách All Apps và có thể chọn để gắn lên tường.
Chẳng hạn như mình gắn ứng dụng đọc tin tức News lên tường, thao tác sẽ là nhìn vào ứng dụng, nhấn nút X trên tay cầm để chọn và điều khiển các núm xoay để đưa lên tường. Chúng ta có thể tùy chỉnh kích thước hiển thị của ứng dụng và nhìn vào dấu tick trên cửa sổ ứng dụng và nhấn X một lần nữa để hoàn tất.
Còn đây là trình duyệt Microsoft Edge trong môi trường MR. Trải nghiệm thực tế chỉ giống như khi bạn duyệt web trên một chiếc màn hình cực lớn, chữ và hình ảnh to hơn dễ đọc hơn thôi.
Chúng ta có thể nhập liệu bằng bàn phím ảo hay dùng tính năng nhận diện giọng nói. Trải nghiệm này không hề thoải mái bởi nếu nhập bằng tay cầm Xbox One thì chúng ta phải nhìn vào từng ký tự trên bàn phím rồi nhấn X để gõ, như vậy rất mất thời gian và mỏi cổ. Nếu dùng bàn phím thì bạn phải đảm bảo rằng mình nhớ được layout phím hay có thể gõ phím không cần nhìn bởi khi đã đeo kính MR, bạn sẽ không thấy gì bên ngoài.
Trải nghiệm thú vị nhất trong ngôi nhà MR là phòng xem phim với ứng dụng Movies & TV. Căn phòng này được thiết kế y hệt home cinema với bộ ghế salon cùng màn hình lớn chính giữa. Ứng dụng Movies & TV sẽ cho phép chúng ta thuê, mua hay xem trailer phim ảnh hay chương trình TV dưới dạng 2D hay 360 độ. Hiện tại những nội dung 360 độ vẫn chưa nhiều nhưng nó đủ cho thấy tương lai trải nghiệm MR như thế nào. Anh em có thể xem cụ thể hơn trong video đầu bài.
Mixed Reality!
Theo định nghĩa của Microsoft thì Mixed Reality – thực tế hỗn hợp là sự lồng ghép giữa thế giới thật và thế giới ảo nhằm tạo ra một môi trường mới trong đó các vật thể vật lý (thật) và ảo có thể cùng nhau xuất hiện và chúng ta có thể tương tác được. Đây là một dạng kết hợp giũa AR và VR.
Xuyên suốt quá trình trải nghiệm MR với chiếc kính AH100 của Acer, ứng dụng duy nhất mang lại trải nghiệm này là HoloTour – một ứng dụng du lịch phản ánh chính xác về MR, hiện tại nó cho chúng ta đi du lịch 2 nơi là Roma, Ý và Machu Picchu, Peru.
Đây là thành phố đã mất của người Inca, những gì chúng ta thấy là cảnh quan thực tế của Machu Picchu (vật thể thật). Trong khi đó chữ Lost City of the Incas là yếu tố ảo được đưa vào và có chúng ta có thể tương tác.
Đây là một góc khác của thành phố cổ Machu Picchu, con người và cảnh vật, bầu trời, cây cối đều là thật, tất cả đều đã được quay phim và phát lại. Riêng chiếc bàn chứa mô hình của ngôi đền đá là yếu tố ảo được thêm vào và chúng ta có thể tương tác.
Quan cảnh bầu trời đêm với dải ngân hà Milky Way cùng với rất nhiều tinh tú được quay lại thực tế, riêng hình ảnh chòm sao được khoanh vùng là yếu tố đồ họa. Như vậy thông qua sự lồng ghép giữa thực và ảo, chúng ta có thể đi du lịch một cách trực quan, thú vị hơn rất nhiều so với việc chỉ ngồi xem video và nghe người ta giải thích.
Theo trải nghiệm của mình, Mixed Reality mới chỉ bắt đầu nhưng nó sớm cho thấy tiềm năng của một nền tảng thực tế ảo. Không giống như HTC Vive hay Oculus Rift vốn chạy trên nền tảng riêng và cần những nội dung riêng, Mixed Reality chạy ngay trên Windows 10, khai thác các ứng dụng sẵn có trên Microsoft Store và không đòi hỏi quá nhiều về phần cứng. Với việc công bố những chiếc kính MR sẽ có mức giá rẻ thì Microsoft thể hiện rõ ý đồ muốn phổ cập MR đến mọi người dùng. Cũng nhờ lợi thế chạy trên WIndows 10, các nhà phát triển có thể đưa nhiều loại nội dung lên MR như các ứng dụng du lịch, giáo dục, các ứng dụng chuyên ngành, game MR, phim MR và rất rất nhiều dạng ứng dụng khác cần đến sự tương tác và yếu tố trực quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét