GPU tích hợp không ngán game
Với sự đổi mới công nghệ không ngừng, GPU tích hợp không ngán game ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong những dòng PC phổ thông dù rằng chưa thể so bì hiệu năng với những chiếc card đồ họa rời chuyên biệt.
Sự khác biệt giữa CPU và GPU
Trong một chiếc PC, ngoài thành phần không thể thiếu là bộ xử lý (CPU) thì bộ xử lý đồ họa (GPU) đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi quyết định chất lượng hình ảnh (chơi game, xem phim, xử lý video, dựng hình đồ họa 3D), thậm chí xử lý các tác vụ tính toán phức tạp nhằm gánh tải cho CPU. Thực tế, dù vẫn có thể dựng hình đồ họa nhưng tốc độ xử lý của bộ xử lý Intel Core i7 vẫn chậm hơn rất nhiều so với GPU (rời).
Nếu như giới công nghệ thường ca tụng các đời CPU 4 nhân, 8 nhân hay 10 nhân có khả năng xử lý đa luồng dữ liệu nối tiếp cực nhanh thì GPU lại bao gồm hàng nghìn nhân nhỏ được thiết kế cho nhu cầu chạy đa tác vụ. Thậm chí, hiệu năng của GPU còn mạnh đến nỗi được sử dụng để thay thế cho CPU ở những tác vụ không liên quan đến đồ họa (xử lý khối lượng dữ liệu cực lớn) trong một số hệ thống máy tính chuyên ngành khoa học công nghệ.
GPU thường được nhà sản xuất đặt tên theo từng dòng sản phẩm để phân biệt chức năng và công dụng của chúng. Chẳng hạn, dòng sản phẩm Quadro của NVIDIA phục vụ nhu cầu thiết kế đồ họa chuyên dụng cho máy trạm (workstation), trong khi đó dòng sản phẩm GeForce GTX được dùng để sản xuất card đồ họa chơi game hoặc đáp ứng nhu cầu đồ họa thông thường cho đa số người dùng cá nhân.
Sự khác biệt giữa đồ họa rời và đồ họa tích hợp
Có hai loại bộ xử lý đồ họa chính: GPU tích hợp và GPU rời. Như tên mô tả, GPU tích hợp là loại GPU được tích hợp sẵn trên CPU và chia sẻ bộ nhớ RAM của PC. GPU rời được gắn trên bảng mạch riêng và được trang bị bộ nhớ VRAM (Video RAM), không chia sẻ RAM.
Vấn đề mà người dùng cá nhân thường thắc mắc là liệu có cần phải trang bị hàng cực khủng như NVIDIA GeForce GTX 1080 hay chỉ nhẹ nhàng như đồ họa tích hợp của Intel/AMD là đủ?
Xét về hiệu suất đồ họa hiện nay, do chia sẻ bộ nhớ RAM nên dù mạnh cỡ nào thì GPU tích hợp cũng không thể so bì được với GPU rời (được trang bị từ 2-16GB VRAM). Đó là điều cần lưu ý nếu bạn đang có kế hoạch để chơi game PC khủng với thiết lập đồ họa cao nhất. Do đó, nếu muốn trải nghiệm các tựa game cao cấp hoặc thiết kế đồ họa 3D (cần xử lý nhiều hình ảnh), người dùng sẽ cần sử dụng card đồ họa rời mạnh mẽ để có hiệu năng cao và rút ngắn thời gian làm việc.
Tuy nhiên, người dùng văn phòng hoặc giới chơi game thể thao điện tử đều có thể tận dụng hiệu năng tốt từ GPU tích hợp, qua đó cắt giảm chi phí sắm card đồ họa rời (nếu không có nhu cầu cao về đồ họa). Mặt khác, tùy thuộc vào thế hệ CPU và GPU tích hợp, người dùng có thể trải nghiệm một số trò chơi yêu thích ở thiết lập đồ họa không quá cao.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đồ họa tích hợp tiêu tốn ít điện năng hơn và mát hơn card đồ họa rời. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết máy tính xách tay trang bị sẵn card đồ họa rời lại tự động chuyển sang đồ họa tích hợp Intel khi không chạy những tác vụ cần xử lý đồ họa.
Đồ họa tích hợp: tiến tới chinh phục game 4K
Với sự phổ biến của các đời CPU Intel Core, 2 phiên bản đồ họa tích hợp là HD Graphics và Iris Graphics dần dần trở nên quen thuộc với người dùng. Trong khi đó, bộ xử lý Ryzen mới nhất của AMD lại chưa có bản tích hợp sẵn đồ họa, phải dùng kèm card đồ họa rời.
Là GPU tích hợp phổ biến nhất của Intel, HD Graphics trong những bộ xử lý Intel Core từ thế hệ thứ 3 (2012) đã bắt đầu có khả năng xuất hình ảnh ở độ phân giải 4K. Với thế hệ HD Graphics 620/630 hiện tại kết hợp với loạt bo mạch chủ chipset Intel Z270, người dùng còn có thể xuất hình ảnh ra nhiều màn hình thông qua các giao tiếp USB Type-C/Thunderbolt 3, DisplayPort, Mini DisplayPort hoặc bộ đế USB hỗ trợ công nghệ DisplayPort.
Dù chưa thể chạy game khủng như Doom, Dragon Age: Inquisitionhay Rise of the Tomb Raider nhưng HD Graphics vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu stream video và trải nghiệm nhiều trò chơi eSport phổ biến như Dota 2 hay Overwatch ở độ phân giải 1080p. Thậm chí với League of Legends và một số trò chơi khác, HD Graphics đã bắt đầu chạy được ở độ phân giải 4K nhưng tốc độ khung hình mỗi giây (fps) chưa thực sự ổn định.
Intel cũng đã phát triển GPU tích hợp Iris Graphics với mục tiêu rút ngắn sự chênh lệch giữa đồ họa rời và đồ họa tích hợp (có thêm bộ nhớ eDRAM 64-128MB). Tuy nhiên, Iris Graphics chưa thật sự phổ biến như HD Graphics và chưa thể so bì được với GPU rời.
Thông số kỹ thuật cơ bản của GPU
Memory Bandwidth (băng thông bộ nhớ): là 1 trong những đặc điểm chính cần xem xét khi chọn GPU. Memory Bandwidth đo tốc độ dữ liệu có thể được đọc/ghi vào VRAM bằng card đồ họa, được đo bằng gigabyte mỗi giây (GB/s). Với Memory Bandwidth cao thì GPU có thể dựng hình ảnh nhanh hơn và cho chất lượng hiển thị tốt hơn. Memory Bandwidth có thể bị ảnh hưởng bởi xung nhịp, bus và chủng loại bộ nhớ VRAM.
Memory Speed (tốc độ bộ nhớ): là tốc độ VRAM được đo bằng MHz, xác định tần suất dữ liệu truyền giữa VRAM và GPU.
Base Clock (tốc độ cơ bản): được đo bằng MHz, Base Clock là tốc độ tối thiểu của GPU khi chạy ứng dụng ở điều kiện bình thường.
Boost Clock (tốc độ tăng cường): là tốc độ có thể đạt đến của GPU khi chạy các ứng dụng. Tùy thuộc vào công suất và nhiệt độ của hệ thống PC, người dùng có thể tăng tốc Boost Clock vượt qua giá trị gốc mà nhà sản xuất đã cung cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét